Cờ Của Các Quốc Gia Ở Châu Á

Cờ Của Các Quốc Gia Ở Châu Á

Trang chủ » Cờ các nước » Lá cờ các nước Châu Á

Trang chủ » Cờ các nước » Lá cờ các nước Châu Á

Danh sách cờ các nước châu Á theo thứ tự chữ cái

QĐND -  “Địa Trung Hải là đại dương của quá khứ, Đại Tây Dương là đại dương của hiện tại và Thái Bình Dương là đại dương của tương lai”, Giôn Hay (John Hay), nhà ngoại giao, nhà báo, trợ lý Tổng thống A. Lin-côn, từng dự báo như vậy từ cuối thế kỷ 19. Lời dự báo này đến nay đã trở thành sự thực, nhất là khi Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược an ninh sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương cuối năm 2011...

Chuyển trọng tâm để hình thành "Vòng cung an ninh"

Theo chiến lược quân sự mới của Mỹ, châu Á-Thái Bình Dương sẽ là trọng tâm chiến lược an ninh của Mỹ với một vành đai chiến lược hình cánh cung trải dài từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Phi-líp-pin, Xin-ga-po đến tận Ô-xtrây-li-a.

Dàn tàu chiến hiện đại tham gia cuộc tập trận RIMPAC-2012 do Mỹ đứng đầu. Ảnh: defense.com

Việc chuyển trọng tâm chiến lược an ninh sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ được mở đầu bằng việc Hải quân Mỹ phái tuần dương hạm trang bị tên lửa có điều khiển và mới được nâng cấp USS Antietam tham gia Hạm đội 7 đặt căn cứ tại Nhật Bản. Tuần dương hạm USS Antietam có nhiệm vụ cung cấp cho Hải quân Mỹ một hệ thống phòng không hiện đại hơn, có khả năng chống lại các tên lửa đạn đạo. Hải quân Mỹ sẽ điều động thêm nhiều tàu chiến khác đến khu vực trong tương lai gần, khi Lầu Năm Góc tiếp tục kế hoạch triển khai khoảng 60% lực lượng tàu chiến của hải quân đến địa bàn châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020.

Không chỉ Hải quân Mỹ đang hành động. Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ cũng triển khai gần 2000 binh sĩ đến căn cứ Ô-ki-na-oa trong những tuần qua và dự kiến mùa hè năm 2013, sẽ điều động thêm một số đơn vị nữa đến Nhật Bản. Hiện nay, Mỹ có hơn 17.000 lính thủy đánh bộ đồn trú tại Nhật Bản, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Cùng với Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a là một đồng minh truyền thống và đáng tin cậy bậc nhất của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ô-xtrây-li-a nằm án ngữ đường biển huyết mạch từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, do đó có giá trị chiến lược quân sự trên “vòng cung an ninh” của Mỹ nhằm kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc.

Theo thỏa thuận mà Tổng thống B. Ô-ba-ma và Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Giu-li-a Gi-lát (Julia Gillard) đạt được trong chuyến thăm Ô-xtrây-li-a hai ngày 16 và 17-11-2011, Mỹ sẽ gia tăng hoạt động quân sự ở Ô-xtrây-li-a liên quan đến việc huấn luyện chung cũng như các cuộc tập trận kể từ năm 2012 theo từng giai đoạn. Theo thỏa thuận này, kể từ giữa năm 2012, Ô-xtrây-li-a đón tiếp các đợt triển khai luân phiên trong vòng 6 tháng của một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ gồm khoảng 200-250 lính ở vùng lãnh thổ phía Bắc Ô-xtrây-li-a. Trong vòng vài năm sau đó, hai bên sẽ nâng số lính thủy đánh bộ Mỹ đồn trú lên khoảng 2.500 binh sĩ, tương đương quân số một đơn vị đặc nhiệm đầy đủ trên không và trên bộ của lính thủy đánh bộ Mỹ.

Ngoài ra, máy bay của Mỹ sẽ sử dụng nhiều hơn các căn cứ của Không quân Hoàng gia Ô-xtrây-li-a ở miền Bắc Ô-xtrây-li-a. Mạng tin www.cfr.org còn cho hay, việc lính Mỹ đồn trú tại Đác-uyn, nơi được ví là “Trân Châu Cảng của Ô-xtrây-li-a”, chỉ cách In-đô-nê-xi-a 820km, có thể được triển khai nhanh chóng đến bất kỳ “điểm nóng” về nhân đạo hoặc an ninh nào (như thảm họa thiên tai, khủng bố hay cướp biển) ở Đông Nam Á, thay vì phải huy động lực lượng từ các căn quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á hay Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, Mỹ tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện quân sự tại Hàn Quốc, Thái Lan, Phi-líp-pin và Xin-ga-po. Tại Xin-ga-po, Hải quân Mỹ sẽ triển khai bốn tàu chiến LCS và máy bay tuần tra, tăng cường đưa tàu chiến đến nước này... Còn tại Phi-líp-pin, Oa-sinh-tơn và Ma-ni-la cũng đã thảo luận chiến lược hợp tác quân sự trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, quốc phòng...

Hiện đại hóa căn cứ, triển khai vũ khí tối tân

Trong bối cảnh tình hình khu vực có nhiều biến động, Mỹ đang cố gắng củng cố và duy trì vị thế siêu cường của mình thông qua một loạt các biện pháp quân sự.

Theo số liệu của Lầu Năm góc, hiện Mỹ đang duy trì 865 căn cứ quân sự tại 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, con số thật có thể lớn hơn bởi nhiều căn cứ quân sự của Mỹ hoạt động bí mật. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được Mỹ đặc biệt ưu tiên với 124 căn cứ ở Nhật Bản, 87 căn cứ ở Hàn Quốc cùng hàng chục căn cứ ở một số nước khác trong khu vực với ý đồ hình thành vòng cung kiềm chế Trung Quốc.

Để thực hiện mục tiêu này, Mỹ đã lên kế hoạch nâng cấp đảo Gu-am thành “một siêu căn cứ quân sự”. Theo đó, Mỹ sẽ đầu tư trên 12 tỷ USD để biến đảo Gu-am thành một pháo đài bất khả xâm phạm và là điểm xuất phát tiến công chiến lược của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Dự án bao gồm một cảng dành cho tàu sân bay hạt nhân, một hệ thống phòng thủ tên lửa, các bãi huấn luyện bắn đạn thật và mở rộng căn cứ không quân trên đảo...

Để bảo đảm vị thế siêu cường ở châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đang tìm cách triển khai nhiều loại vũ khí, trang bị tối tân tới khu vực. Báo cáo quốc phòng 4 năm/lần (QDR-2010) của Mỹ cho biết, theo kế hoạch, Mỹ sẽ bố trí 60% lực lượng tàu ngầm tiến công tại Tây Thái Bình Dương, chủ yếu là tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia, và duy trì 2-3 biên đội tàu sân bay tại khu vực này. Điều này sẽ giúp Mỹ cơ động nhanh hơn nếu xảy ra điểm nóng trong khu vực.

Về không quân, máy bay ném bom chiến lược B-52 và máy bay chiến đấu tàng hình F-22 cũng sẽ được điều động và gia tăng tới Gu-am làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, số lượng tên lửa hành trình, các loại tên lửa đối hải, đối không, hạm đối hạm… chắc chắn sẽ được gia tăng để bảo đảm ý chí của Mỹ được thực hiện hiệu quả.

Liên tục tập trận để củng cố liên minh

Nhằm tạo ra mạng lưới đối tác mới về an ninh, thời gian qua, Mỹ và đồng minh khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã tiến hành một loạt cuộc tập trận với quy mô lớn, nhỏ, trong đó, Mỹ luôn đóng vai trò chỉ huy. Theo báo chí Mỹ, trong năm 2012, Oa-sinh-tơn và đồng minh đã tiến hành hàng chục cuộc tập trận, như cuộc tập trận giữa Mỹ - Phi-líp-pin tại phía Nam biển Đông; cuộc tập trận giữa Mỹ và In-đô-nê-xi-a tại phía Nam biển Đông đầu tháng 7-2012; cuộc tập trận giữa 3 nước Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc trên vùng biển phía Nam bán đảo Triều Tiên (từ ngày 21 đến 23-6-2012); cuộc tập trận từ ngày 24 đến 26-6 giữa Mỹ và Hàn Quốc…

Tuy nhiên, có quy mô lớn nhất phải kể đến cuộc tập trận hải quân mang tên “Vành đai Thái Bình Dương-RIMPAC-2012 tại vùng biển Ha-oai dưới sự chỉ huy của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, từ ngày 29-6 tới 3-8-2012, có sự tham gia của hải quân 22 quốc gia với dàn tàu chiến 42 chiếc cùng hơn 200 máy bay và khoảng 25.000 binh sĩ. Đối với Mỹ, RIMPAC- 2012 là dịp để chứng minh rằng họ vẫn là siêu cường duy nhất, là một trong những nỗ lực của Oa-sinh-tơn nhằm củng cố các liên minh truyền thống trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Mới đây nhất, từ ngày 11 đến 21-2-2013, tại khu vực Chiềng Mai, phía Bắc Thái Lan, đã diễn ra cuộc tập trận Hổ mang vàng 2013, huy động 13.000 quân nhân các nước tham gia diễn tập trên bộ, trên biển và trên không, với các nội dung huấn luyện chiến đấu, cứu trợ thiên tai, phản ứng nhanh với các cuộc tấn công hóa học, sinh học, hạt nhân. Hãng NBC News của Mỹ nhận định, cuộc tập trận này là “một trong những bàn đạp chính trong chiến lược an ninh khu vực của Mỹ nhằm tăng cường chiến lược tập trung tại châu Á-Thái Bình Dương”.

Sự trở lại của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương rõ ràng mang lại nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau đối với các nước trong khu vực. Giới phân tích cho rằng, trong khi Mỹ dễ dàng lựa chọn đồng minh để phục vụ lợi ích chính trị-an ninh của mình, thì lựa chọn chính sách của các nước nhỏ phức tạp hơn, bởi nó đòi hỏi sự linh hoạt và uyển chuyển để tránh bị lôi kéo và trở thành “con bài” trong cuộc chơi của những “ông lớn”.